

Đến các xã: Nậm Mạ, Nậm Cha, Nậm Hăn hay Sà Dề Phìn, Chăn Nưa, thị trấn Sìn Hồ… chúng tôi đến thăm những điểm nuôi thuỷ sản, trải nghiệm công việc đánh bắt cá cùng bà con và tìm hiểu kỹ hơn về nghề này. Đảm bảo hiệu quả kinh tế, các hộ nuôi cá xây dựng lồng bè, làm lán trại nổi, lưới chắn ở các lồng và hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm. Nguồn thức ăn cho cá cũng khá phong phú, từ thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ.
Được biết, đồng hành với việc đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn vận động người dân thuộc vùng lòng hồ, sông đẩy mạnh khai thác lợi thế phát triển nuôi cá lồng bè. Khuyến khích, tạo điều kiện cho lao động nông thôn tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để có thêm kiến thức, nắm vững phương pháp chăn nuôi an toàn, hiệu quả. Với những địa phương nhiều nguồn nước từ khe, suối thì bà con tiến hành đào ao thả cá. Phòng cũng lựa chọn con giống thủy sản phù hợp với điều kiện của từng vùng để định hướng, cung ứng cho địa phương. Các địa phương, tổ chức hội, đoàn thể tạo điều kiện tốt nhất cho hội viên, đoàn viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mua thuyền bè, công cụ hỗ trợ nuôi thuỷ sản. Bên cạnh đó, quảng bá hình ảnh, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân.
Người dân thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ) phát triển nuôi cá lồng bè.
Đến nay, toàn huyện có 180ha nuôi thuỷ sản (trong đó khu vực lòng hồ có 253 lồng nuôi cá tầm, lăng, chiên, chép… và nhiều loại thuỷ sản khác). Nhiều hộ dân đầu tư mua giống, thuyền, làm lán trại nuôi hàng chục lồng cá. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến mực nước, dòng chảy, đảm bảo cá phát triển tốt. Các hộ nuôi còn trang bị máy sục khí oxy nhằm tạo bọt khí, thay đổi môi trường sống cho thuỷ sản.
Anh Hoàng Việt Bắc ở khu phố 2 (thị trấn Sìn Hồ) cho biết: Được sự nhất trí của UBND huyện, thị trấn Sìn Hồ cho tôi mượn một phần diện tích mặt hồ ở trung tâm huyện đầu tư 9 lồng nuôi cá tầm, lăng. Đối với từng loại cá có loại thức ăn phù hợp và tôi cũng chủ động phòng dịch bệnh, đảm bảo môi trường nước nên phát triển tốt. Mỗi năm, tôi xuất khoảng 10 tấn cá thương phẩm cho các nhà hàng, thương lái ở chợ trung tâm huyện và các xã lân cận.
Không chỉ nuôi thuỷ sản ở lòng hồ, người dân còn đào ao nuôi cá, tôm, cua, ốc, nhiều nhất là ở các xã: Noong Hẻo, Nậm Tăm, Lùng Thàng, Pa Khoá. Nguồn nước được dẫn từ các khe, mó và 2 - 3 tháng bà con lại tiến hành nạo vét ao, thay đổi nguồn nước. Bên cạnh đó, chú trọng khử trùng, làm sạch môi trường nước, tăng cường sức đề kháng, lựa chọn con giống khoẻ mạnh, hạn chế nguồn bệnh. Khi phát hiện dịch bệnh, kịp thời thông báo các cơ quan chuyên môn có biện pháp xử lý. Nhờ vậy, thuỷ sản sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều loại cá khi xuất bán trọng lượng từ 3 - 4kg/con. Mỗi năm sản lượng nuôi và đánh bắt thủy sản đạt gần 200 tấn, góp phần nâng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống 43,34% (năm 2023).
Anh Nguyễn Khắc Tiệp - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhận định: Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai biện pháp mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản, phát triển thêm 250 lồng cá đến hết năm 2025. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, tăng cường chăm sóc, phòng dịch bệnh, phấn đấu mỗi năm sản lượng nuôi và đánh bắt thuỷ sản tăng thêm từ 20 - 30 tấn.
Tin rằng, với sự chủ động của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và đồng thuận, tích cực trong nhân dân, nuôi thuỷ sản sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Sìn Hồ.
Tin đọc nhiều
Khoen On nỗ lực giảm nghèo

Nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân

Lai Châu: Phát huy tiềm năng nuôi cá nước lạnh
Làng nghề miến dong vào vụ
Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Lai Châu tại Thành phố Đà Nẵng

Đổi thay ở xã Vàng Ma Chải

Tăng thu nhập cho người dân từ giống cây trồng mới

Gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh









